“Youniche" - Chọn ngách cho blog mang dấu ấn riêng, đem lại lợi nhuận và mở ra tiềm năng phát triển bền vững
Bạn sẽ tìm thấy cách thức giúp lựa chọn ngách viết hiệu quả sau khi đọc xong bài viết này.
Câu chuyện chọn ngách cho blog luôn là nỗi đau đầu của những người mới bước chân vào con đường khởi nghiệp độc lập, trong đó có mình trong quá khứ và cả bạn hôm nay. Khi mới bắt đầu The Introvert Writer cách đây hơn 2 năm, quả thật mình cũng loay hoay nhiều tháng trời không biết nên bắt đầu với ngách nào. Mình đã suy nghĩ rất nhiều, nâng lên đặt xuống nhiều lựa chọn, phân vân mãi không tìm thấy lối ra. Có lẽ chỉ khác với mọi người một chút là mình không trì hoãn việc bắt đầu. Mình quyết tâm vừa đi vừa khám phá, tìm tòi, cân nhắc, đánh giá thấu đáo để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
Chính khoảng thời gian dài thử nghiệm này giúp mình đúc kết được khá nhiều bài học hữu ích đôi lúc mình ước giá như có thể biết sớm hơn. Tuy mình không thể bắt đầu lại nhưng bạn thì có thể.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn tất cả những gì mình đã học được trong quá trình chọn ngách cho blog để bạn có thể rút ngắn con đường tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Trước khi bắt đầu, mình muốn cùng bạn điểm qua một vài lý do tại sao chúng ta cần đi tìm ngách. nhiều bạn hỏi mình vì sao lại cần chọn ngách. Khá nhiều học viên của mình muốn bắt đầu với một ngách rộng lớn, hoặc với nhiều ngách cùng một lúc vì cho rằng như vậy có thể tiếp cận được nhiều độc giả hơn và dễ dàng phát triển hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một chiến lược khôn ngoan nếu bạn là một người mới.
Tầm quan trọng của việc chọn ngách cho blog
Chọn ngách cho blog có thể mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ. Việc xác định một chủ đề nhỏ để theo đuổi thay vì một chủ đề rộng lớn hay nhiều chủ đề khác nhau không có sự liên kết sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp của mình đến độc giả.
Đặc biệt trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, không có một thông điệp nổi bật khiến bạn dễ bị lẫn vào đám đông, khó có thể tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả, khiến họ ghi nhớ, theo dõi và trở thành độc giả trung thành của bạn.
Chính vì thế, tập trung vào một ngách nhỏ phù hợp với một đối tượng độc giả nhất định sẽ khiến bạn trở nên nổi bật, phát triển nhanh chóng và đạt được thành công dễ dàng hơn.
Ngoài ra, chọn ngách sẽ giúp bạn đào sâu vào học hỏi, phát triển kỹ năng kiến thức chuyên môn để sáng tạo các nội dung chất lượng, đáp ứng được nhu cầu cao của độc giả trong lĩnh vực bạn theo đuổi.
Chuyên tâm về một ngách nào đó cũng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, mở ra muôn vàn cơ hội để bạn có thể tiếp cận được các đối tác, khách hàng, chuyên gia, người có tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực liên quan và phát triển sự nghiệp hiệu quả hơn.
Tóm lại, chọn ngách cho blog giúp bạn:
làm giàu kiến thức, thành thạo kỹ năng
sáng tạo nội dung chất lượng, độc đáo
xây dựng thương hiệu cá nhân
xây dựng các mối quan hệ hữu ích
xây dựng cộng đồng độc giả trung thành
cạnh tranh ít hơn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn
Với nhiều lợi ích như vậy, chọn ngách cho blog là công việc bạn không nên bỏ qua khi mới bắt đầu. Bạn hiểu điều đó, cũng biết phải làm nó, nhưng vượt qua thử thách này là một việc không dễ dàng và khiến nhiều người chùn bước.
Vậy chúng ta cần vượt qua như thế nào?
Mình muốn chia sẻ với bạn hai cách để giải quyết vấn đề này. Bạn có thể tham khảo cả hai cách này để lựa chọn ra cách phù hợp nhất với mình. Tuyệt vời nhất là gợi ý của mình, bạn có thể tự phát minh ra cách thức của riêng bạn để giải quyết bài toán khó nhằn này.
Cách thức lựa chọn ngách cho blog hiệu quả
Cách 1 - Chọn ngách dựa vào Ikigai
Ý tưởng của cách chọn ngách blog này đến từ triết lý Ikigai của người Nhật. Có thể bạn cũng biết để tìm thấy Ikigai, chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho 4 câu hỏi: việc bạn yêu thích, việc bạn làm tốt, việc thế giới cần và việc bạn làm có thể kiếm ra tiền. Mình sẽ hướng dẫn bạn ứng dụng các câu hỏi Ikigai vào việc tìm ngách theo các bước sau đây:
Lưu ý: Lấy giấy bút để thực hiện ngay bài tập này và viết ra câu trả lời một cách trung thực không phán xét.
Bước 1: Viết ra tất cả những gì mình yêu thích
Bước 2: Trả lời ba câu hỏi sau:
Bạn có thể kiên trì viết về chủ đề nào với trong vòng 1 năm tới mà không bỏ cuộc? Liệt kê ra 52+ ý tưởng bạn định viết về chủ đề này (tương ứng với một bài viết/1 tuần)
Mọi người có quan tâm đến chủ đề này của bạn?
Bạn có thể hỏi những người xung quanh bạn, tiến hành một bài khảo sát, tìm kiếm thông tin trên Google (Google Trend, Google Keyword Planner), trong các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội,...để trả lời cho câu hỏi này.Chủ đề bạn định viết có thể mang lại thu nhập cho bạn?
Nói cách khác: bạn dự định kiếm tiền như thế nào khi viết về chủ đề này? Bạn sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ của riêng mình hay kiếm tiền thông qua các hình thức như tiếp thị liên kết, Google Adsense hay hình thức nào khác?
Bước 3: Sau khi trả lời được 3 câu hỏi này, có thể bạn đã thu hẹp được phạm vi tìm kiếm của mình.
Dựa vào những gì đã tìm được, bạn hãy sử dụng phương pháp loại trừ và tìm ra mảng tiềm năng nhất để bắt đầu.
Ví dụ: Bạn tìm ra 5 ngách đó là dạy Tiếng Anh, kiếm tiền online, nuôi dạy con tuổi 3-6, lối sống tối giản và chế độ ăn eat clean. Hãy sắp xếp chúng theo thứ tự từ yêu thích nhất đến ít yêu thích nhất để lựa chọn. Mình biết là có thể rất khó nhưng hãy tưởng tượng nếu chỉ được theo đuổi một ngách duy nhất cho đến hết đời này, bạn sẽ chọn ngách nào để tìm ra hướng đi trước mắt cho bản thân.
Bước 4: Khi đã có được lựa chọn duy nhất, bạn vẫn nên cố gắng thu hẹp nó.
Một bạn mình từng tư vấn 1:1 muốn chọn ngách SEO vì đã có 6 tháng liên tục nghiên cứu và làm việc về mảng này nhưng lại không thể đưa ra quyết định vì sợ ngách này quá cạnh tranh. Nếu SEO là câu trả lời của bạn, bạn vẫn có thể bắt đầu mảng này bằng cách thu hẹp lại ngách. Có thể bạn chỉ tập trung về SEO cho Tiktok hoặc SEO cho Youtube chẳng hạn.
Mình sẽ hướng dẫn bạn cách thu hẹp ngách trong phần kế tiếp của bài viết, bạn chú ý theo dõi nhé.
Cách 2: Chọn ngách “youniche”
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Dù đã chia sẻ cách thức tìm ngách khá rõ ràng nhưng khi đồng hành 1:1 với các bạn học viên, mình nhận ra có rất nhiều vấn đề xuất hiện khiến quá trình tìm ngách của các bạn đi vào bế tắc. Các vấn đề này chủ yếu đến từ những nỗi sợ hãi, lo lắng, tự ti của các bạn khi buộc phải đưa ra một quyết định duy nhất trong khi chưa thật sự chắc chắn về những gì mình muốn theo đuổi .
Nicolas Cole - một trong những cây viết mình yêu thích nhất ở thời điểm hiện tại từng chia sẻ, vào thời điểm anh viết hàng ngày trên Quora và trở thành Top Writer, anh vẫn không biết ngách viết của mình là gì. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy Cole viết về rất nhiều chủ đề khác nhau như marketing, phát triển bản thân, sáng tạo nội dung, xây dựng sự nghiệp, thậm chí về việc luyện tập hay chăm sóc sức khỏe, ….
Cole cho rằng ngách có thể không liên quan nhiều đến việc “viết về cái gì” mà là “viết như thế nào.”
Rất có thể, mọi người yêu thích những gì Cole viết bởi vì anh đi thẳng vào vấn đề chính, giúp họ có thể giải quyết được khó khăn họ đang gặp phải bằng cách nói về chính những trải nghiệm của bản thân và chia sẻ tất cả những gì mình đã học được trên hành trình cho tất cả mọi người một cách trung thực, không giấu diếm.
Vì thế, nếu đang chưa biết ngách của mình là gì, bạn vẫn có thể chia sẻ đều đặn, hàng ngày một cách miễn phí trên các nền tảng có sự hiện diện của mình về những gì bạn BIẾT RÕ và THỰC SỰ QUAN TÂM SÂU SẮC đến.
Đặc biệt, hãy nhìn lại hành trình của mình, xem xem có vấn đề đặc biệt nào bạn đang đối mặt và đi tìm cách giải quyết. Giả sử bạn mới bước chân vào hành trình viết lách và luôn gặp khó khăn khi phải tìm ra ý tưởng thú vị để viết mỗi ngày, bạn tìm kiếm cách thức để giải quyết vấn đề này và phát hiện một vài cách thức hữu ích. Bạn có thể ghi chép lại hành trình và chia sẻ điều này với mọi người.
Trường hợp khác, có thể bạn đang là một bà mẹ của một em bé 6 tuổi chuẩn bị bước vào giai đoạn tiểu học. Bạn băn khoăn, lo lắng không biết sẽ phải chuẩn bị những gì cho con khi bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Chuẩn bị hành trang cho con giai đoạn tiền tiểu học để con có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất là vấn đề bạn bận tâm và tìm cách giải quyết. Bạn học, đọc, kết nối, tìm kiếm thông tin khắp nơi và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Và bạn có thể chia sẻ lại những gì đã tìm được và quá trình áp dụng vào thực tế cuộc sống. Tin chắc những chia sẻ này sẽ thực sự hữu ích với những độc giả của bạn.
Một điều nữa là bạn bắt đầu chia sẻ trải nghiệm thực tế, cảm nhận thực sự của bạn về những vấn đề bạn hiểu biết, yêu thích và quan tâm sâu sắc đến, mọi người sẽ cảm nhận được sự chân thành và giá trị hữu ích trong từng bài viết bạn chia sẻ. Độc giả sẽ bị cuốn hút bởi những gì bạn nói, bạn làm để rồi bắt đầu theo dõi bạn và mong muốn được kết nối với bạn nhiều hơn.
Không ít khách hàng và học viên 1:1 chia sẻ rằng lý do mọi người quyết định sử dụng dịch vụ của mình không hẳn là vì đọc được những bài mình viết về blog (thực ra mình chia sẻ những bài viết về blog không nhiều trên The Introvert Writer), mà chủ yếu từ những gì mình viết về phát triển bản thân như vấn đề về giá trị cốt lõi, tự nhận thức, hay đặt mục tiêu, xây dựng thói quen chủ chốt, vân vân.
Các bạn nói yêu thích cách mình chia sẻ: chân thật, đơn giản, dễ hiểu, truyền cảm hứng. Mọi người có được sự đồng cảm sâu sắc và muốn kết nối nhiều hơn nữa với mình bằng cách sử dụng các dịch vụ của mình.
Nói vậy đương nhiên không có nghĩa là mọi người đừng đi tìm ngách.
Nhưng nếu hiện tại bạn vẫn chưa tìm ra thì cũng đừng hoảng loạn.
Thay vào đó, hãy chia sẻ về những gì bạn yêu thích, quan tâm, những vấn đề bạn gặp phải và cách bạn giải quyết vấn đề cho độc giả của bạn.
Trong hành trình khởi nghiệp độc lập của bản thân (3-6 tháng đầu tiên), bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều. Bạn có thể liên tục nhìn nhận lại những gì đã làm, sử dụng những dữ kiện, số liệu bạn có được (tỉ lệ tương tác của độc giả, độ yêu thích với những nội dung bạn chia sẻ, số lượng người kết nối với bạn để hỏi về một vấn đề cụ thể nào đó,...) để tìm ra một thị trường ngách độc đáo của riêng mình, không lẫn với bất kỳ ai khác.
Đây chính là cách khiến bạn có thể trở nên đặc biệt, nổi bật và thành công. Điểm trừ duy nhất đó chính là phương án này đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì từ bạn.
Làm thế nào để thu hẹp ngách mở ra tiềm năng phát triển hơn nữa?
Khi tìm thấy ngách bạn muốn theo đuổi, bạn có thể tiến hành thu hẹp ngách hơn nữa để tiếp cận đúng đối tượng độc giả của mình. Có một vài cách bạn có thể sử dụng để thu hẹp ngách của mình.
Theo giới tính
Ngách: Chăm sóc da dầu mụn.
Thu hep: Chăm sóc da dầu mụn cho nam giới.
Theo độ tuổi
Ngách: Nuôi dạy bé gái.
Thu hep: Nuôi dạy bé gái 3-6.
Theo vị trí địa lý
Ngách: Du lịch tự túc cho người trẻ.
Thu hẹp: Du lịch tự túc châu Á cho người trẻ.
Theo giai đoạn cuộc đời
Ngách: Thời trang công sở.
Thu hẹp: Thời trang công sở tuổi trung niên.
Theo thu nhập
Ngách: Thời trang nội y
Thu hẹp: Thời trang nội y cao cấp.
Theo kinh nghiệm
Ngách: Dạy học tiếng Trung online.
Thu hẹp: Dạy học tiếng Trung online trình độ cao cấp.
Một vài gợi ý khách về ngách và thu hẹp ngách dành cho bạn:
Làm giàu - Tài chính cá nhân cho mẹ bỉm sữa/Bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung/Kiếm tiền online từ tiếp thị liên kết/…
Phát triển bản thân - Yêu thương bản thân cho phụ nữ bận rộn/Định hướng nghề nghiệp cho người mới ra trường/Làm việc hiệu quả từ công cụ no code/…
Du lịch - Du lịch bụi châu Á/ Digital Nomad…
Phong cách sống - Lối sống tối giản cho nhà có con nhỏ/Lối sống thuận tự nhiên/…
Làm cha mẹ - Ăn dặm cho trẻ/Nuôi dạy trẻ từ 3-6/Phát triển EQ cho trẻ nhỏ/…
Thời trang - Thời trang công sở cho người quá cỡ/Thời trang cao cấp cho phụ nữ trung niên/…
Marketing - SEO cho Youtube/Content Marketing cho doanh nghiệp vừa và nhỏ/Copywriting cho người mới bắt đầu/…
Sức khoẻ - Bữa ăn lành mạnh giữ dáng/Chế độ ăn Keto/Chăm sóc sức khỏe cho người già
Cuối cùng, bạn cũng có thể kết hợp các cách thu hẹp ngách với nhau để có được một ngách riêng thực sự đặc biệt dành riêng cho mình.
Hy vọng với hướng dẫn nho nhỏ này của mình, bạn có thể vượt qua giai đoạn chọn ngách cho blog khó khăn trong thời gian ngắn nhất và bắt tay vào xây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Nếu cần giúp đỡ, bạn có thể liên hệ mình để được tư vấn thêm nhé!